Những Điểm tựa Luân Lý Kitô Giáo

Lời ngỏ

       Mọi đời sống con người đều đáng được tôn trọng dưới cái nhìn của Kitô giáo. Sự tôn trọng là tuyệt đối cho dù con người ở địa vị nào và có một cuộc sống như thế nào : sang hay hèn, giàu có hay bần cùng, mạnh khoẻ hay bệnh tật, lành lặn hay tật nguyền, hoa hậu hay cô bé lọ lem, có địa vị xã hội hay là con người bình thường. Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại có những con người mà cuộc sống của họ làm cho chúng ta thực sự khâm phục hơn. Trong số những gương mặt này chúng ta phải kể tới Dietrich Bonhoeffer. Ông đã được nhiều người, không phân biệt truyền thống tôn giáo, biết đến, đặc biệt những con người đấu tranh vì quyền con người. Gần đây các chuyên gia và các nhà thần học tìm đọc lại cuộc đời và những suy tư thần học của Bonhoeffer nhiều hơn. Đời sống và suy tư thần học của ông mang tính thời sự.

Bonhoeffer sống trong một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nước Đức với việc nắm quyền của nhà độc tài Hít-le. Chế độ đức quốc xã dưới sự cai trị của Hít-le đã để lại cho nước Đức nói riêng và nhân loại nói chung một vết đen ô nhục không thể tẩy rửa : cuộc Chiến tranh thế giới lần II, nạn thanh trừ người Do-thái, các trại tập trung, các hầm gas ngạt (nhằm thủ tiêu những người Do-thái và những người chống đối)…. Bonhoeffer là một trong những nạn nhân của chế độ độc tài này.

Chính trong hoàn cảnh này ông đã chiến đấu một cách can đảm cho tới cùng vì tình yêu đối với Đức Kitô và tình yêu đối với con người, và đã để lại cho chúng ta những suy tư thần học chất vấn đời sống của mọi Kitô hữu. Làm sao sống niềm tin vào Đức Giêsu Kitô trong một chế độ độc tài ? Câu trả lời của ông đó là đời sống trách nhiệm. Các Kitô hữu được mời gọi sống đời sống trách nhiệm được đặt trên nền tảng của niềm tin vào Đức Giêsu Kitô trong thế giới, một thế giới mà ông gọi là « thế giới không có Thiên Chúa ».  Đời sống trách nhiệm này được sống dưới dấu chỉ của sự tuân phục và bất tuân phục. Đó là nội dung sẽ được trình bày trong tập sách nhỏ này.

Ước vọng nhỏ bé của tập sách này là : những ai đọc nó tìm thấy đâu đó điều bổ ích cho đời sống Kitô hữu của mình. Nó cũng có thể giúp các sinh viên thần học tham khảo rộng hơn về vấn đề thần học luân lý.

Một điều khác nữa. Dù là một mục sư, một nhà thần học tin lành, nhưng những tư tưởng của Bonhoeffer « rất là công giáo ». Quả thực, không chỉ những anh em Tin Lành mà ngay cả những nhà thần học Công Giáo đều trích dẫn lời của ông. Điều này không thể không làm cho chúng ta nghĩ tới phong trào đại kết (sự hợp nhất Kitô Giáo). Phong trào đại kết là tâm niệm sâu xa của Công đồng Vatican II và đã được các Đức Thánh Cha không ngừng kêu gọi. Đại kết không phải chỉ vì lợi ích của Giáo Hội, nhưng vì Tin Mừng : « Xin cho chúng nên một » (x. Ga 17,21).

Tác giả